Header Ads

BacGiang.net
  • Breaking Feeds

    Thám hoa Thân Cảnh Vân

    Thân Cảnh Vân sinh năm Qúy Mùi (1463) ở làng Yên Ninh (tên Nôm là làng Nếnh), xưa thuộc huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là con của tiến sĩ Thân Nhân Tín, cháu đích tôn Phó nguyên súy Hội tao đàn nhị thập bát tú Thân Nhân Trung.

    Làng quê ông từng nổi tiếng có truyền thống thi thư và họ Thân nhà quan Thám hoa Thân Cảnh Vân là một gia tộc nổi danh về truyền thống khoa bảng tiêu biểu ở làng quê Yên Ninh với cụ khải tổ mở đường cử nghiệp là Thân Nhân Trung đỗ tiến sĩ năm 1469. Sau ông là hai người con trai: Thân Nhân Tín (đỗ tiến sĩ năm 1490) và Thân Nhân Vũ (đỗ tiến sĩ năm 1481). Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư, khoa cử như vậy nên ngay từ nhỏ Thân Cảnh Vân đã phải rèn luyện theo khuôn mẫu của Nho giáo. Nhà Lê khi đó đặt ra lệ “Bảo kết thi hương” bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của người đi thi, và lệ “cung khai tam đại” bắt người đi thi phải khai rõ lý lịch ba đời, hễ con nhà xướng ca hay có tội với triều đình nhất thiết không được dự thi.



    Thân Cảnh Vân là con nhà quan, lại sinh ra ở một làng quê có truyền thống thi thư như vậy nên có điều kiện thuận lợi trong việc học hành. Do vậy, năm 25 tuổi, ông dự khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, dự hàng Thám hoa.

    Sách các nhà khoa bảng Việt Nam chép: “Thân Cảnh Vân người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng-nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc là cháu nội Thân Nhân Trung, con của Thân Nhân Tín, 25 tuổi đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thị lang”.

    Sau khi đậu đại khoa, Thân Cảnh Vân đã được triều đình ghi khắc tên, tuổi lên bảng vàng bia đá ở Quốc Tử Giám. Tính từ khoa thi tiến sĩ năm 1442 đến năm 1779 được khắc tên ở văn bia Quốc Tử giám có cả thảy 59 vị đậu Thám hoa, thì Thân Cảnh Vân đứng hàng thứ 9.

    Sau khi được dự lễ ban yến ở triều đình dành cho những người đỗ đạt cao, quan Thám hoa Thân Cảnh Vân tiến hành nghi thức lạy tạ vinh quy. Ông vinh quy bái tổ về quê Yên Ninh, bà con trong họ ngoài làng tổ chức nghi lễ hết sức long trọng để đón rước quan tân khoa thứ 5 của làng quê khoa bảng. Sau đó ít ngày, ông tạm biệt gia đình, họ mạc và quê hương để hồi triều thi hành công vụ.

    Thám hoa Thân Cảnh Vân làm quan ở chức Thị lang trong triều, cùng làm việc với ông nội là Thân Nhân Trung, với chú ruột là Thân Nhân Vũ, sau nữa là với cha Thân Nhân Tín và các quan đồng hương là Nguyễn Kính, Ngô Văn Cảnh, Đỗ Văn Quýnh.

    Như vậy, cha, con, ông, cháu Thám hoa Thân Cảnh Vân trước sau có tới 4 người đỗ đại khoa và làm quan cùng triều. Trước cảnh thịnh đạt ấy của gia đình họ Thân, vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi:

    “Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển

    Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh”.

    (Mười anh em nhà họ Trịnh cùng hưởng phú quý

    Hai cha con nhà họ Thân đều được ân vinh).

    Vào đầu thế kỷ XVI-thời gian quan Thị lang Thân Cảnh Vân còn đảm trách công vụ cho triều đình nhà Lê, nhưng những mâu thuẫn nội tại của chế độ này đã dẫn đến sự bùng nổ phong trào khởi nghĩa nông dân và những cuộc xung đột triền miên giữa các phe phái phong kiến. Quốc gia phong kiến bước vào giai đoạn suy yếu kéo dài. Những dấu hiệu suy tàn của triều Lê xuất hiện rõ rệt từ những năm đầu thế kỷ XVI. Theo vết các vương triều phong kiến trước đây, triều Lê sau một thời gian nắm quyền chính đã trở nên thoái hóa. Tầng lớp thống trị nhà Lê sống rất xa hoa, trụy lạc. Triều đình và bộ máy quan lại ngày càng hủ bại, mục ruỗng.

    Bên cạnh đó, cũng từ đầu thế kỷ XVI, các cuộc tranh giành, thoán đoạt và xung đột giữa các phe phái phong kiến diễn ra gay gắt, kết cục thì chỉ làm tăng thêm nỗi thống khổ cho nhân dân và bộc lộ tính chất mục nát của chế độ quân chủ chuyên chế.

    Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, phế truất vương triều Lê, lập ra triều Mạc. Triều Lê đã rút khỏi vũ đài chính trị một cách tàn tạ và một vương triều mới lên thay. Nhưng họ Mạc cũng chỉ là một tập đoàn phong kiến quân phiệt vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền, đoạt ngôi nên không thể đưa đến sự thống nhất quốc gia được, mà trái lại chỉ làm gay gắt thêm các mối xung đột và dẫn đến tình trạng cát cứ, nội chiến kéo dài như: Cuộc xung đột Nam-Bắc triều, cuộc xung đột Trịnh-Nguyễn.

    Trước thực trạng triều chính như vậy, các quan chức, những người trung thần nghĩa khí mấy đời ăn lộc nhà Lê, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp nhà Lê như cha con, ông cháu quan Thám hoa-Thị lang Thân Cảnh Vân không khỏi chán chường suy ngẫm cám cảnh cho thời cuộc biến loạn.

    Năm Tân Mão (1531), đời Mạc Đăng Dung, sau hơn 40 năm tận tâm tận lực phục vụ triều chính nhà Lê, quan Thị lang Thân Cảnh Vân qua đời, thọ 68 tuổi. Ông mất đi để lại bao nhiêu tình thương nhớ cho bà con trong họ ngoài làng. Cũng từ đó đến hết thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn sau này, họ Thân không có ai theo con đường khoa bảng để phục vụ triều đình phong kiến nữa.

    Làng Yên Ninh, xã Hoàng Ninh (nay là thị trấn Nếnh) xưa có nghè Nếnh để phụng thờ những nhà khoa bảng của quê hương, xứ sở. Ngôi nghè này đã được đi vào ca dao, tục ngữ:

    Thứ nhất phủ Xa

    Thứ nhì nghè Nếnh.

    Trải trường kỳ lịch sử, nhất là thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, công trình tín ngưỡng nổi tiếng này đã bị tàn phá nặng nề.

    Ngày nay, ở làng quê Yên Ninh có đền thờ các tiến sĩ, trong đó có Thân Cảnh Vân. Đình Yên Ninh cũng là nơi dân làng tưởng nhớ tới vị Thám hoa này.

    Nguồn: BacGiang.net

    Post Bottom Ad

    TenMienNgon.com