Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân
Trong chặng đường 844 năm của truyền thống hiếu học và khoa bảng nước nhà, mở đầu vào năm 1075 khi Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh kinh bác học với Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh và khép lại vào năm 1919 thời nhà Nguyễn thì ông Nghè Trâu Lỗ - Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân có một vị trí đặc biệt, bởi ông là một trong những đại biểu cuối cùng của tỉnh Bắc Giang đỗ đại khoa (đỗ đầu kỳ thi Đình - nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên) dưới chế độ khoa cử phong kiến.
Ông Nghè Nguyễn Đình Tuân tự là Hữu Mai, sinh ngày 12 tháng Giêng, năm Đinh Mão (1867) tại làng Trâu Lỗ (tên làng Trâu Lỗ được ví với nước Trâu, nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử, Mạnh Tử), tổng Mai Đình, nay là thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Làng Trâu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, vì vậy ông Nghè Nguyễn Đình Tuân vẫn được gọi là ông Nghè Sổ.
Từ nhỏ, Nguyễn Đình Tuân đã nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ, việc gì cũng để tâm xem xét, ghi nhớ tỏ rõ trí lực và cốt cách hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Ông học đâu nhớ đấy, tuy cùng học với các học trò của cha nhưng cứ vượt lên. Lên 6 tuổi học vỡ lòng bằng Tam tự kinh, học trò khác học ít nhất vài tháng, thậm chí trò dốt phải học hàng năm trời nhưng ông chỉ học xong trong 18 ngày, thuộc kỹ nhớ lâu.
Năm 14 tuổi ông đi khảo khóa đã đỗ.
Năm 16 tuổi đi hạch phủ, học trò hai huyện đến hạch tất cả có 96 người, khi kéo bảng có 32 ngời đỗ. Ông đỗ thứ hai.
Năm 18 tuổi ông bắt đầu sự nghiệp gia sư, làm thầy đồ dạy trẻ.
Năm 19 tuổi ông lại về hạch phủ, tất cả được 8 người. Ông đỗ thứ hai. Người đỗ đầu cũng là học trò của cụ thân sinh.
Năm 20 tuổi ông ra trọ học ở làng Phù Ninh, phủ Từ Sơn.
Năm 23 tuổi ông theo cụ thân sinh lên trường học Hương Thịnh và hàng tháng về Bắc Ninh tới trường quan giáo thụ Đỗ Như Đại lấy đầu bài về làm văn. Quan giáo thụ chấm văn ông và bảo rằng: “Cứ như văn cậu thì đáng làm bạn với tôi chứ không phải bậc học trò”.
Năm 29 tuổi được cụ đốc học Đỗ Như Đại đón về Hà Nội dạy các con của cụ.
Tháng 9 năm Đinh Dậu (1897) ông đi thi Hương đỗ cử nhân. Khi xướng danh, ông đỗ cử nhân thứ 19 nhưng cả hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đỗ được 10 người thì ông đỗ trên tất cả. Riêng huyện Hiệp Hòa trước kia từ thời Gia Long có một người ở Cẩm Bào đỗ cử nhân, đến gần 100 năm sau mới có người đỗ, nên thân sĩ hàng huyện đều vui mừng.
Năm 35 tuổi, Tân Sửu - 1901, ông đi thi Hội tại Kinh đô Huế. Cả 4 kỳ đều được phê điểm cao, kỳ Văn sách được phê 5 phân (điểm tối đa) quán trường (nhất trường thi) được dâng lên vua Thành Thái xem. Khoa thi Hội năm ấy, cả nước đỗ được 9 vị Tiến sĩ. Khi vào Kinh thi Đình (cuộc thi dành cho các Tiến sĩ mới đỗ), ông đỗ Đình nguyên (đỗ đầu), ông Nghè Ngô Đức Kế đỗ thứ hai.
Kể từ thời nhà Nguyễn, ông Nghè Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân là vị Đình nguyên duy nhất của huyện Hiệp Hòa, một huyện nghèo, dân cư thưa thớt thuộc miền bán sơn địa của tỉnh Bắc Giang. Tuy đỗ đạt vinh hiển nhưng trước sau ông vẫn giữ tấm lòng khiêm tốn, cư xử nhân hậu với tất cả mọi người.
Sau khi đỗ Đình nguyên, ông được bổ làm tri huyện Việt Yên và nổi tiếng là một ông quan thanh liêm. Chưa đầy 2 năm làm tri huyện, ông xin cáo quan về nghỉ vì “không bằng lòng với viên Đại lý người Pháp” (Theo chữ ghi trong tự truyện kèm theo gia phả họ Nguyễn còn lưu giữ được). Một năm sau, ông lại nhận được “Chỉ” đi nhậm chức Giáo Thụ tỉnh Yên Bái. Sau đó, ông được đổi đi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình, rồi Đốc học trường Quy Thức, Hà Nội. Do ông có giao du kết bạn với các nhân sĩ Đông Kinh nghĩa thục như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Ngô Đức Kế ... nên sau khi trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp thì trường Quy Thức cũng bị giải tán và ông Nghè Tuân lại về làm Đốc học tỉnh Ninh Bình, sau đó lại đổi ra làm Đốc học tỉnh Hà Đông. Từ khi làm giáo thụ tỉnh Yên Bái, rồi làm Đốc học nhiều tỉnh trong nhiều năm liền, ông Nghè Nguyễn Đình Tuân nổi tiếng là ông thày hay chữ, có nhiều học trò đỗ đạt, đồng thời cũng nổi tiếng là người đức độ, vừa nghiêm khắc, vừa khoan hòa, nhất là không kết thân với Pháp “không biết chiều theo ý quan trên” (câu ghi trong Gia phả), lúc nào cũng giữ nhân cách thanh cao của một nhà nho chân chính.
Sau một thời gian cáo quan về bốc thuốc và dạy học, ông lại nhận được “chỉ” đi làm án sát tỉnh Bắc Ninh. Ở đây một thời gian ngắn, ông lại bị đổi làm án sát tỉnh Thái Nguyên, sau đó kiêm chức Tuần phủ Thái Nguyên cho đến khi về hưu hẳn. Chính trong thời gian này, ông được nhân dân xã Tân Cương lập làm thành hoàng sống. Trong tự truyện của ông Nghè có kể là lúc đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái có qua thăm và nghỉ nhà ông Cử Đoàn ở Phú Thọ vốn là bạn đồng khoa thi hương, chắc vì thế mà ông biết giá trị của cây chè Phú Thọ nên đã cử người Tân Cương tới gặp để xin bạn giống chè. Nhưng cây chè Phú Thọ đem về Tân Cương thì chất lượng khác hẳn, có hương vị riêng, không nơi nào có được. Chính đó là điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt của cây chè Tân Cương. Đối với xã Tân Cương, ông Nghè Trâu Lỗ không chỉ là người khai lập xã, cắm hướng đình và được thờ làm Thành hoàng mà còn có thể coi là vị tổ nghề đối với chè Tân Cương.
Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân mất ngày 20 tháng 6 năm Tân Tỵ (14/7/1941). Học trò nghe tin báo, kéo về Trâu Lỗ tới vài chục người, khóc than thương tiếc. Ngày đưa tang, trời đổ mưa, đường làng lầy lội, nhiều người học trò cũ đã làm quan lớn cũng đều mặc áo xô, lội bùn đi theo linh cữu, giữ trọn đạo thầy trò.
Tinh thần yêu nước, nhân cách thanh cao, đặc biệt là tinh thần hiếu học của ông Nghè Trâu Lỗ - Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân đến hôm nay vẫn là những bài học còn nguyên giá trị
Nguồn: BacGiang.net