Header Ads

BacGiang.net
  • Breaking Feeds

    Văn hóa xã hội

    Văn hóa Bắc Giang có các điểm đặc trưng sau:

    Tính chất đan xen đa văn hóa. Đan xen không phải hòa đồng mà tất cả cùng tồn tại tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Bắc Giang.

    Tính chất tụ hội văn hóa người Việt. Trong lịch sử lâu dài của đất nước người dân từ nhiều nơi như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên... đã lên đây sinh sống. Họ mang theo tập tục của mình và có những biến đổi theo người dân bản xứ trên đất Bắc Giang và ngược lại người dân Bắc Giang ở trước đó cũng bị những tác động của cư dân mới đến.



    Con người Bắc Giang vốn là những cư dân đồng cam cộng khổ, cưu mang nhau vượt qua thiên tai địch họa, khai phá rừng hoang lập làng, lập bản. Tính chất hào hùng còn dễ nhận thấy hơn qua các cuộc bảo vệ đất nước của dòng họ Giáp, họ Thân và đặc biệt hơn là cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

    Bắc Giang là sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ và văn hóa Tày Nùng. Những người dân tộc Thái, dân tộc Dao… vẫn có nét riêng trong sinh hoạt nhưng họ học tiếng Kinh, mặc quần áo người Kinh.

    Văn hóa Bắc Giang là tính chất đoàn kết, sáng tạo. Từ vùng rừng thiêng nước độc, cộng đồng dân cư Bắc Giang sinh sống đã tạo nên những vẻ đẹp riêng có cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Bắc Giang có hơn 500 lễ hội lớn nhỏ.

    Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.

    Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo Phật pháp thiền phái Trúc Lâm; chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc". Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn Bắc Giang cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống ở đây. Điều đó được thể hiện qua các di chỉ Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động). Thời gian tiếp theo các nhà khảo cổ cũng tìm thấy con người thời đại đồ đá mới sinh sống trên vùng đất này qua di chỉ Mai Sưu (Lục Nam), thời đại đồ đồng qua di chỉ Đông Lâm (Hiệp Hòa).

    Một số ca khúc về Bắc Giang:

    1 Bắc Giang màu xanh yêu thương - ST: Phan Huấn

    2 Bắc Giang tôi yêu- ST: Trí Vượng

    3 Mùa vải thiều - ST: Tuấn Khương

    4 Chiều sông thương - ST: An Thuyên

    5 Nhớ về vùng đất dân ca - ST: Tuấn Khương

    6 Rừng xanh Yên Thế - ST: Trọng Điềm;

    7 Rượu Làng vân - Thơ Anh Vũ; Nhạc Tuấn Khương

    8 Sông Thương tóc dài - Thơ Hoàng Nhuận Cầm; nhạc Bá Đạt

    9 Tình ca Sông Thương - ST: Tuấn Khương

    10 Vùng quê Sông Thương - ST: Tuấn Khương

    Nguồn: BacGiang.net

    Post Bottom Ad

    TenMienNgon.com